Diễn Đàn Để Học - Học Để Lập Diễn Đàn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM PHÁT HUY PHẨM CHẤT SINH VIÊN ĐỂ THÍCH NGHI VỚI MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Go down

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM PHÁT HUY PHẨM CHẤT SINH VIÊN ĐỂ THÍCH NGHI VỚI MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Empty MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM PHÁT HUY PHẨM CHẤT SINH VIÊN ĐỂ THÍCH NGHI VỚI MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Bài gửi  Admin Sat Sep 26, 2009 1:51 am

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM PHÁT HUY PHẨM CHẤT SINH VIÊN ĐỂ THÍCH NGHI VỚI MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Người viết: Trần Thị Lành
Lớp: K58A khoa QLGD

I. Đặt vấn đề
Trong giai đoạn mở cửa tiếp nhận công nghệ mới, một nền văn minh mới và đào tạo từ ngoài vào, môi trường giáo dục nước ta đã, đang và sẽ bị tác động mạnh. Những tác động trên có cái thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của giáo dục cũng có cái tác động ngược lại.
Người Việt Nam vốn rất thông minh và hiếu học. Hằng năm nước ta có khoảng một triệu thí sinh thi đại học, những gia đình ở Nghệ An, Nam Định… sẵn sàng bán cả gia tài để con đi học. Đại học là nơi tập trung những thành phần trí thức ưu tú, là cái nôi phát triển và nuôi dưỡng nhân tài.
Vấn đề được đặt ra là làm cách nào để huy động được trí tuệ, tài năng sáng tạo của nguồn nội lực quan trọng này, nếu không dân tộc ta sẽ bị tụt hậu trong trào lưu toàn cầu hóa kinh tế đi đôi với cạnh tranh ác liệt là xu thế không thể đảo ngược của thế kỉ tới. Vì lẽ sống còn của dân tộc ta là phải có một nền giáo dục đại học có chất lượng cao, đáp ứng ba yêu cầu về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao và nuôi dưỡng nhân tài.
Trách nhiệm của người sinh viên hôm nay đến giảng đường là để học hỏi, tìm kiếm một ngành nghề nào đó cho cuộc sống tương lai hoặc để tự nâng cao kiến thức hiểu biết. Nhưng chỉ có 30% trong số họ thực hiện được công việc này. Đây là nhóm sinh viên có thái độ tích cực, năng động, có chí hướng và say mê học tập. Chính vì vậy trong bài tham luận này em xin đưa ra một số biện pháp nhằm phát huy phẩm chất sinh viên : trí sáng tạo, khả năng vận dụng thực hành, kĩ năng sống và làm việc theo nhóm, năng lực tự học và lí tưởng sống của người học.
Khoa Quản lí giáo dục(QLGD ) với mục tiêu đào tạo giáo viên, cán bộ quản lí tham gia vào công tác quản lí trong giáo dục. Vì vậy việc rèn luyện phát huy phẩm chất sinh viên là yêu cầu quan trọng mang tính tất yếu.
II. Giải quyết vấn đề
1. Tại sao sinh viên lại phải rèn luyện phẩm chất sinh viên ?
Trong thời đại của chúng ta và trong tương lai, khả năng tự học ngày càng trở nên cấp thiết khi kho tang kiến thức của nhân loại cứ vài năm lại được nhân đôi. Điều đó có nghĩa là đứng nguyên và thậm chí đi chậm đồng nghĩa với tụt hậu. Khi hoạt động tự học của người sinh viên diễn ra thường xuyên, liên tục có nghĩa là có thể theo kịp với thời đại, đồng thời có khả năng thích ứng với môi trường luôn biến động.
Bản thân mỗi cá nhân trong mọi môi trường không bao giờ tồn tại biệt lập. Họ luôn phải cộng tác với những người xung quanh. Vì vậy, làm việc theo nhóm sẽ giúp sinh viên làm quen với hợp tác, tôn trọng quan điểm của nhau với việc thỏa hiệp chung và dàn xếp để đi tới mục đích chung. Làm việc theo nhóm còn giúp sinh viên phát triển khả năng lãnh đạo.
Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, những kĩ năng giao tiếp, ứng xử… cũng vô cùng quan trọng và cần thiết đối với mỗi sinh viên trong quá trình hoạt động.
Mỗi người khi đã xác định được lí tưởng của bản thân thì sẽ luôn cố gắng phấn đấu và rèn luyện. Vì vậy, khi sinh viên có lí tưởng, tự bản thân họ sẽ ý thức được nghĩa vụ của mình với cộng đồng và dân tộc.
2. Thực trang hiện nay
Mỗi sinh viên lớn lên trong môi trường văn hóa xã hội khác nhau, hình thành thói quen, cách suy nghĩ, các năng lực nhận thức, hứng thú cũng khác nhau. Điều này tạo nên sự phong phú và đa dạng về phong cách học cũng như lối sống của họ.
Bên cạnh những sinh viên say mê học tập là những sinh viên sống khép mình ít tham gia các hoạt động xã hội hoặc hướng vào vui chơi, hưởng thụ. Tuy nhiên tỉ lệ số sinh viên say mê học tập chỉ chiếm 30%.
Sinh viên hiện nay năng động hơn trước vì họ có ưu thế là ngoại ngữ và Tin học nên họ có khả năng tiếp cận nhiều thông tin hơn. Song sinh viên hiện nay ngày càng không chú tâm nhiều vào học hành, học theo kiểu đối phó, chỉ để thi,để lấy điểm, chỉ để lấy bằng. Họ học không sâu, không kĩ, không quan tâm đến tư duy, đến kĩ năng làm việc.
Phần lớn sinh viên chưa tìm được phương pháp học tập phù hợp với nhận thức của cá nhân. Họ vẫn giữ thói quen học thụ động: không đọc trước ở nhà, không thảo luận, phát biểu trên lớp, ngại nêu thắc mắc và ngại nói ra những ý tưởng của mình.
Ngày càng nhiều sinh viên sống không có lí tưởng, trượt dài trong những thú vui vô bổ: cờ bạc, lô đề, sống trong thế giới ảo nhiều hơn thế giới thật không còn là hiện tượng lạ trong giới sinh viên. Một bộ phận sinh viên hiện nay đánh đồng tình yêu với tình dục. Tình trạng sống thử, quan hệ trước hôn nhân đang trở nên phổ biến trong các xóm trọ sinh viên. Hiện tượng sinh viên uống rượu đã trở thành chuyện thường ngày với nhiều người.
“Lười đọc” đang trở thành căn bệnh nguy hiểm của sinh viên hiện nay. Đa số sinh viên đều ít ngó ngàng đến sách chuyên ngành, đọc theo cảm hứng hoặc chỉ khi phải thuyết trình hoặc chuẩn bị cho kì thi thì họ mới đọc.
Thực tế ở lớp K58A khoa QLGD cho thấy số sinh viên hăng hái phát biểu xây dựng bài là rất ít. Phần lớn sinh viên ngại phát biểu, thuyết trình trước lớp. Hơn nữa, vì lớp K58A đều là sinh viên năm thứ nhất nên việc xác định được phương pháp học tập phù hợp là vấn đề rất khó khăn
3. Nguyên nhân
Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó nguyên nhân quan trọng là giảng viên chưa áp dụng triệt để các phương pháp dạy học tích cực hóa người học trong các giờ học, học theo lối giảm tải chương trình, hạn chế sự chủ động của người học tình trạng thầy đọc trò chép vẫn còn phổ biến…
Nội dung giảng dạy hoàn toàn là nội dung trong giáo trình khiến sinh viên không hứng thú học. Trong khi đó giáo trình đại học thì hầu như không được đổi mới, chưa áp dụng được những ưu điểm của giáo trình nước ngoài…
Đại học là sự tự học nhưng rất ít sinh viên làm được điều này. Họ chơi nhiều hoặc đi làm them nhiều hơn nên cảm thấy học chán hơn.
Việc giáo dục đạo đức, lí tưởng bằng các khẩu hiệu mang nặng tính hình thức và phong trào.
Tài liệu trong thư viện với mỗi môn học số lượng đầu sách còn hạn chế và không thường xuyên cập nhật những đầu sách mới nên chưa đáp ứng được nhu cầu của sinh viên.
Phương pháp đào tạo sư phạm ở bậc đại học cũng lạc hậu, thiếu sự mềm dẻo, linh hoạt, nặng nề về cung cấp và truyền thụ kiến thức khoa học, ít thực hành.
Hệ thống đánh giá, tuyển dụng con người cơ bản vẫn chưa theo năng lực, làm việc mà dựa trên việc có bao nhiêu bằng cấp.
III. Giải pháp
1. Đối với giáo viên: áp dụng các phương pháp dạy học tích cực
Giáo viên với vai trò điều khiển định hướng kiến thức cho sinh viên, cung cấp cho sinh viên gồm những tri thức trong giáo trình và những tri thức mới không có trong giáo trình. Do đó, giáo viên phải thường xuyên nghiên cứu tích lũy kiến thức mới kết nối với kiến thức cũ để cung cấp cho sinh viên. Có như vậy, giáo viên mới gây được hứng thú cho sinh viên với bài giảng của mình. Giáo viên nhờ đó cũng có nhiệt huyết giảng bài cho sinh viên.
Giáo viên nên thường xuyên giao cho sinh viên làm bài tiểu luận theo nhóm hoặc cá nhân để giúp họ phát triển khả năng suy nghĩ, tư duy độc lập và phê phán. Đồng thời quá trình giảng dạy giáo viên phải thường xuyên đặt câu hỏi và khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi.
Giáo viên nên sử dụng giáo án điện tử để giảng dạy. Điều này sẽ làm cho bài giảng trực quan, sinh động và gây được hứng thú học tập của sinh viên.
2. Đối với sinh viên
Mỗi sinh viên cần rèn luyện cho bản thân mình khả năng tự học. Trước hết là phải có thái độ học tập nghiêm túc. Đối với mỗi nội dung của từng môn học phải học sâu và kĩ. Sinh viên nên chuẩn bị trước tài liệu liên quan đến mỗi nội dung môn học để tìm ra những vấn để còn chưa hiểu trong nội dung đó.
Thường xuyên đọc sách, tham khảo trau dồi những kiến thức liên quan đến nội dung học tập và kiến thức xã hội. Nếu có vấn đề nào chưa hiểu trong quá trình học tập thì hỏi thầy cô, bạn bè.
Sau mỗi nội dung của từng môn, sinh viên phải thực hành và làm bài tập liên quan đến nội dung đó. Trong quá trình đó, sinh viên có thể tìm ra cho mình phương pháp học tập thích hợp và hiệu quả nhất.
Sinh viên cũng phải tích cực tham gia vào những hoạt động xã hội lành mạnh. Tham gia tích cực, nhiệt tình trong các phong trào của lớp, của khoa và của trường, đồng thời đấu tranh với những lối sống tiêu cực.
3. Đối với các cơ quan quản lí
Các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy nhanh tiến độ áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện trong giáo dục, hiện đại về quản lí giáo dục. Nhờ đó, việc nghiên cứu và giảng dạy của giáo viên sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời giáo viên cũng dễ dàng tổ chức các phương pháp dạy học tích cực triệt để hơn.
Các trường sư phạm phải đổi mới mô hình và phương thức đào tạo: mô hình đào tạo mềm dẻo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn giáo dục. Vì vậy. giáo viên trẻ khi ra trường sẽ đáp ứng được yêu cầu của xã hội
Tại các trường đại học cần giáo dục lí tưởng sống cho sinh viên bằng những đức tính cụ thể, gần gũi, cần thiết với chính sinh viên như là: biết tự hào, tự trọng với những gì mình làm đúng và biết xấu hổ với những gì mình làm sai. Vì vậy, trong nhà trường, mỗi thầy cô cũng phải thường xuyên rèn luyện nhân cách của bản thân để làm tấm gương đạo đức cho sinh viên.
Nhà nước cần tăng lương cho đội ngũ giáo viên, để họ có thể chăm lo tốt đời sống cũng như điều kiện làm việc, tăng cường phương tiện thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu.
IV. Kết luận
Rèn luyện, củng cố trau dồi phẩm chất sinh viên chính là những cơ sở vững chắc để cho mỗi sinh viên tự tìm, tự tạo việc làm cho bản thân sau khi tốt nghiệp. Môi trường xã hội có mặt tích cực và tiêu cực. Vì vậy, mỗi sinh viên phải biết tự tin, chủ động hòa nhập cộng đồng để tiếp thu những mặt tích cực, đấu tranh với mặt tiêu cực. Đó chính là con đường để những chủ nhân tương lai của đất nước xây dựng nước Việt Nam hội nhập một cách toàn diện sánh vai với cả thế giới.



Tài liệu tham khảo

1. Trần Tuyết Oanh( chủ biên), Giáo dục học, NXBĐHSPHN, 2008
2. Báo cáo giám sát đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục, của Ủy ban TVQH, ủy ban Văn hóa-Giáo dục- Thanh niên- Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
3. Nguyến Ánh Hồng, Lối sống sinh viên hiện nay, Nghiên cứu khoa học, ĐHKHXH-NV- ĐHQG Tp Hồ Chí Minh.





Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 10
Join date : 25/09/2009

https://hsvqldg.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết